14 July, 2017

Bánh Da Lợn


Đã rất lâu rồi mình không viết Blog dù căn bếp nhỏ vẫn đỏ lửa mỗi ngày. Mình khá bận nên mỗi tối khi các con đi ngủ, loay hoay xong cũng gần 9 giờ nên chẳng muốn viết bài dù vẫn nhớ "căn bếp online", dù các lời mời cộng tác báo vẫn được gửi đến thường xuyên.
Dạo này các con lớn và ngoan hơn rất nhiều. Mình cũng muốn mỗi tuần dành vài tiếng để "chăm" blog, được chia sẻ cùng mọi người những công thức món ăn, các loại bánh mà mình đã thử nghiệm thành công và hài lòng.
Gần đây mình có làm bánh da lợn, một loại bánh quen thuộc với nhiều người và dễ dàng mua được ở các chợ. Tuy nhiên tự tay làm bao giờ cũng thú vị, vừa vệ sinh và lại hợp khẩu vị của gia đình , mọi người nhỉ? :)
Bánh da lợn thú vị ở hai màu xanh xanh, vàng vàng. Khi cắn vào cảm nhận được độ dai từ bột năng, sự hoà quyện mùi thơm nhẹ nhàng của lá dứa từ lớp bột màu xanh và vị bùi bùi từ đậu xanh của lớp màu vàng tạo nên hương vị khó quên đối với mỗi người thưởng thức.




Bánh lại rất dễ làm, không cầu kỳ khi chuẩn bị hay đòi hỏi kỹ thuật gì. Chỉ cần một chút kiên nhẫn đổ từng lớp bột và đợi bánh chín, vậy là có ngay những chiếc bánh xanh xanh vàng vàng thơm lừng và béo ngậy mời mọi người rồi. Công thức mình đã thử nghiệm, đã điều chỉnh nhiều lần cho đến khi ưng ý nhất. Bánh có độ ngọt vừa phải nên bạn không nên bỏ bớt đường. Nếu muốn ăn ngọt hơn thì thêm đường trong công thức nhé!

Nguyên Liệu:


Lớp lá dứa (màu xanh):

- 115 ml nước cốt dừa.
- 150 ml nước lá dứa.
   *** cho một bó lá dứa (rửa sạch, cắt nhỏ) cùng 150 ml nước lọc vào máy sinh tốt xay nhuyễn.Vắt kỹ để lấy 150 ml nước lá dứa.
   *** nếu không có lá dứa tươi thì có thể dùng tinh chất lá dứa cô đặc. Mình hoà tan khoảng 4-5 giọt tinh chất lá dứa vào 150 ml nước lọc.
- 85 grams đường cát trắng.
- 1/4 muỗng cà phê muối.
-170 grams bột năng.
- 15 grams bột gạo.
- 1/4 muỗng cà phê muối.

Lớp đậu xanh (màu vàng)

- 120 gram đậu xanh khô không vỏ.
- 80 grams đường cát trắng.
-1/4 muỗng cà phê muối.
- 95 grams bột năng.
- 260 ml nước cốt dừa.
- khoảng 2 giọt màu thực phẩm màu vàng nếu muốn bánh có màu vàng đẹp mắt (mình không dùng vì thấy màu vàng nhẹ của đậu xanh đã đủ đẹp mắt).

Cách Làm:

                                                                1. Làm lớp đậu xanh (lớp màu vàng).

- Đậu xanh nên rửa sạch, ngâm trước khoảng từ 2-4 tiếng đồng hồ. Đậu sau khi ngâm nên được rửa sạch lại, để ráo và đem đi hấp chín.
- Cho đậu xanh đã chín, nước cốt dừa, màu thực phẩm và đường vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn. Cho hỗn hợp vừa xay ra bát.
- Trộn đều bột năng và muối rồi cho vào bát hỗn hợp đậu xanh. Khuấy cho hỗn hợp hoà quyện sau đó lọc lại qua rây cho hỗn hợp nhuyễn mịn. Để hỗn hợp đậu xanh nghỉ khoảng 10 phút.
2. Làm lớp lá dứa (màu xanh)

- Cho nước lá dứa, nước cốt dừa và đường vào chiếc bát lớn. Khuấy cho hỗn hợp hoà quyện và đường tan hết.
- Trộn đều bột năng, bột gạo và muối.
- Cho hỗn hợp bột vào bát nước lá dứa, khuấy đều cho hỗn hợp hoà quyện.
- Lọc lại hỗn hợp lá dứa qua rây cho mịn. Để bột nghỉ khoảng 10 phút.
(Hỗn hợp lá dứa có màu xanh tuy nhạt nhưng bánh chín sau khi hấp sẽ có màu đậm hơn.).


3. Hấp bánh
- Trong thời gian chờ bột nghỉ thì đun sôi nước trong nồi hấp. Nước bắt buộc phải sôi.
- Xoa một lớp dầu ăn mỏng quanh thành và đáy khuôn.
   *** Có thể sử dụng khuôn nhựa chịu nhiệt, khuôn thuỷ tinh hoặc khuôn inox.
   *** Bánh có thể hấp trong khuôn nhỏ như khuôn làm bánh tart mình sử dụng trong hình để được nhiều bánh nhỏ. Hoặc có thể hấp trong khuôn tròn đường kính 20 cm hay khuôn hình vuông 20x20 cm.
- Khi nước trong nồi hấp đã sôi thì cho khuôn vào xửng chừng 2 phút cho khuôn nóng.
- Đổ một lớp bột (thường là lớp lá dứa- lớp màu xanh trước) vào khuôn. Đậy nắp vung cho bột chín (thỉnh thoảng nên mở nắp vung lau khô nước đọng trên nắp để nước không nhỏ vào bánh). Hấp đến khi mặt bột se lại. Dùng tay sờ nhẹ thấy không dính nhưng còn chút ẩm ẩm là được.
   *** Nếu bạn hấp bánh trong khuôn nhỏ thì bột chín rất nhanh, thường khoảng 2-4 phút là bột đã se lại,
   *** Nếu dùng khuôn lớn thì thời gian cho lớp bột chín thường khoảng 10-15 phút tuỳ kích cỡ khuôn, do đó nên kiểm tra thường xuyên.
- Khi lớp màu xanh đã se mặt thì tiếp tục đổ lớp đậu xanh (lớp màu vàng) lên trên. Đậy vung và tiếp tục hấp cho đến khi lớp bột se mặt.
- Cứ thế đổ bột xen kẽ và hấp chín bánh.


  *** Đối với bánh được hấp trong khuôn nhỏ thì khi lớp bột cuối cùng đã se mặt và chín thì có thể lấy bánh ra ngay.
  *** Nếu hấp bánh trong khuôn lớn thì khi lớp bột cuối cùng se mặt lại thì nên tiếp tục hấp thêm khoảng 10-12 phút nữa cho cả bánh chín đều.
- Sau khi bánh chín, lấy bánh ra khỏi xửng hấp. 
   *** Đối với bánh nhỏ thì bạn có thể dùng con dao nhỏ lách nhẹ quanh thành khuôn thì sẽ lấy bánh ra dễ dàng.
   *** Đối với bánh hấp trong khuôn lớn thì nên để bánh nguội hoàn toàn mới nên lấy bánh ra khỏi khuôn. Để cắt bánh dễ dàng và đẹp thì sau khi bánh nguội nên cho bánh vào tủ lạnh làm lạnh khoảng 45 phút thì cắt bánh sẽ dễ dàng hơn.


- Khi cắt nên xoa một lớp dầu ăn mỏng lên dao rồi cắt dứt khoát.


- Bánh có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 2 ngày. Nếu muốn để bánh lâu hơn (từ 5-7 ngày) thì nên cho bánh vào hộp kín và bảo quản trong tủ lạnh. Khi ăn chỉ cần cho bánh vào lò vi sóng quay tầm 20-30 giây (tuỳ công suất của lò) là bánh mềm ấm trở lại.


Chúc các bạn thành công và có những chiếc bánh thơm ngon, hợp khẩu vị để mời gia đình và bạn bè nhé!



No comments:

Cảm Ơn Bạn Đã Ghé Thăm Căn Bếp Nhỏ!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...