23 August, 2017

Chả Huế

Quê mình ở Quảng Nam nên các loại chả, đặc biệt là chả Huế trở nên thân thuộc lắm. Thân thuộc đến nỗi rất nhiều món ăn phải thêm cây chả Huế vào mới thấy ngon được. Chả Huế có thể thêm vào đĩa bánh bèo, vào tô mì trộn, kẹp đôi chiếc chả vào cái bánh mì rồi rắc tí muối tiêu, hay đôi khi là cầm cây chả ăn vã cũng thấy ngon lắm.
Lúc mình còn nhỏ, bà ngoại đi chợ về thường mua cho đám cháu ít bịch chè và vài cây chả Huế. Ở Chợ người ta bán nhiều, có khi là ở tiệm chả nho nhỏ trong chợ, cũng có lúc thì bắt gặp các bà/các dì bưng rổ đầy ắp những cây chả thơm lành đi bán. So với cả đòn chả thì từng chiếc chả nho nhỏ được gói riêng biệt thế này có giá đắt hơn nhiều, nhưng ngoại thương đám cháu nên lúc nào cũng mua cả chục chiếc về chia cho mấy đứa.
Sau này đi học xa nhà, mỗi khi về quê nghỉ hè hay ăn Tết, mẹ cũng thường mua chả Huế để sẵn trong nhà. Chả Sài Gòn cũng ngon nhưng với gốc người miền Trung ưa mặn mà như mình thì cây chả bò Huế nho nhỏ thơm lừng mùi lá chuối và đậm đà vị mắm cũng như chút cay nồng của hạt tiêu...thì mới đúng vị.


Qua Mỹ rồi thì tìm được đòn chả ngon đã khó, nói gì đến chuyện tìm được cây chả Huế mặn mà đúng vị như ở quê mình? Mình từng làm chả bò hay chả gà gói nguyên cây. Nhưng gần đây mới làm chả Huế vì ngại gói từng chiếc rất mất thời gian. Tình cờ xem được cách làm của chị Blogger Liên Ròm về cách gói chả Huế thì thấy đỡ tốn thời gian hơn rất nhiều. Chị Liên cũng là một trong blogger làm đủ các loại chả mà mình thường học hỏi nhất. Các bạn có thể ghé thăm blog của chị ấy ở đây để xem thêm nhiều hướng dẫn món ăn rất tận tình nhé.
Và đây là cách làm. Mỗi lần mình chỉ làm chừng nửa ký thịt, được khoảng 20 cây chả Huế. Làm để tủ lạnh cho chồng và hai con ăn vài hôm là hết. Khi có thời gian lại làm thêm. Không tốn nhiều thời gian mà chả để tủ lạnh vài hôm vẫn tươi ngon.

Nguyên Liệu:

- 500 grams thịt bò xay sẵn (hoặc mua thịt bò về tự xay).
  *** Nên chọn loại thịt khoảng 85% nạc và 15% mỡ, loại thịt này vừa đủ cho thịt không bị khô. Ở các chợ Mỹ thường bán thịt bò xay sẵn và trên bao bì đều ghi rõ tỉ lệ mỡ/nạc của thịt nên rất tiện chọn lựa. Nếu các bạn không mua thịt xay sẵn thì chọn thịt ngon rồi nhờ hàng thịt xay hoặc đem về nhà xay).
- Phần A:
  5 muỗng canh dầu ăn.
  3 muỗng canh nước mắm (nếu muốn ăn nhạt thì nên dùng 2.5 muỗng canh. Lượng nước mắm này vừa đủ cho chả có vị đậm đà đúng kiểu chả Huế).
  3 muỗng cà phê đường.
  1 muỗng cà phê tiêu xay.
- Phần B:
  1 muỗng canh tinh bột khoai tây hoặc bột năng.
  1 muỗng cà phê bột nở (baking powder).
  5 muỗng canh nước thật lạnh (thường mình chuẩn bị ly nước cho vào vài viên đá cho nước thật lạnh, sau đó khi dùng thì dùng muỗng múc nước ra).
- Phần C:
  2 muỗng cà phê tỏi băm.
  1/2 muỗng canh tiêu hột đập dập sơ (nếu không muốn ăn cay hoặc làm cho các bé ăn thì không nên dùng).
- Phần Lá Chuối:
  Mình dùng lá chuối đông lạnh. Nên khi dùng chỉ cần để bên ngoài rã đông. Rửa sạch lá chuối rồi lau cho lá khô.
  Nếu các bạn dùng lá chuối tươi thì nên rửa lá, sau đó luộc sơ lá chừng 3-4 phút với nước đang sôi cho lá mềm. Vớt lá ra, xối nước lạnh, để nguội bớt rồi lau khô lá nhé.
 *** Mình chỉ mua được loại lá chuối đông lạnh người ta đã cắt sẵn các miếng hình tròn. 


Nếu dùng nguyên lá chuối lớn thì các bạn nên cắt gọn đầu/đuôi, cắt lá thành các miếng hình chữ nhật khoảng 15x20 cm. Và xé sợi lá dùng làm dây buộc.
  1 muỗng canh dầu ăn để phết lá.
  Túi ni lông để bơm thịt.

Cách Làm:

1. Cho tất cả các nguyên liệu trong phần A vào âu nhôm sạch. Khuấy đều cho tan đường. Cho thịt đã xay vào âu và trộn đều cho thịt hoà quyện với các gia vị. Quết thịt chừng 4-5 phút cho thịt mịn màng. Mình sử dụng chân quay dẹp của máy Stand Mixer nên rất tiện. Nếu không có máy thì các bạn dùng muỗng quết cho nhuyễn.
2. Trong chiếc bát sạch, trộn đều các nguyên liệu trong phần B với nhau rồi đổ bát bột này vào âu thịt. Hỗn hợp bột này giúp thịt kết dính và dẻo hơn.


   Tiếp tục quết thịt thêm khoảng 4 phút nữa.


3. Cho thịt vừa quết vào túi nilong sạch có khoá kéo (minh dùng túi ziploc), bóp sơ thịt rồi dàn đều ra cho mỏng rồi kéo khoá túi nilong. Cho túi thịt vào tủ đông khoảng 3-4 tiếng cho thịt cứng lại (thường mình chỉ để khoảng 3 tiếng là thịt đã đủ cứng).


4. Khi thịt vừa đủ cứng, có thể bẻ thành miếng được thì cho thịt vào máy quết, quết chừng cho 2 phút cho thịt rời ra (nếu không có máy thì các bạn có thể đeo bao tay rồi bóp thịt cho hoà quyện). Cho tỏi và tiêu ở Phần C vào rồi quết thêm chừng 2 phút.
5. Cho thịt vào máy xay, xay khoảng 3 phút. Cứ xay chừng 30 giây thì dừng lại cho máy nghỉ tí xíu rồi lại tiếp tục xay để tránh bị nóng máy.
6. Cho thịt lại vào máy quết, quết khoảng 5-7 phút cho đến khi thấy thịt mịn màng và dẻo quánh như giò sống.


7. Trải đều lá chuối lên mặt phẳng sạch. Quét ít dầu vào túi ni lông sạch rồi cho thịt vào túi, buộc chặt miệng túi. Cắt đầu túi ni lông lỗ nhỏ vừa đủ với kích cỡ miếng chả Huế.


8. Phết sơ ít dầu ăn lên mặt trong lá chuối rồi bóp thịt lên gần mép từng miếng lá chuối. Cách làm này nhanh gọn, vừa cùng lúc bóp thịt dàn đều lên nhiều lá, thay vì phải dùng muỗng múc từng thìa thịt.


9. Cuộn tròn lá chuối. Gập hai đầu lá lại.



10. Cứ làm xong hai miếng chả thì kẹp hai miếng chả rồi dùng dây buộc lại. Cứ thế làm cho hết thịt.


11. Đun sôi nước. Cho chả vào xửng hấp khoảng 20 phút là chả chín. Lấy chả ra khỏi xửng hấp. Để chả nguội bớt. Chả có thể ăn nóng hoặc nguội đều ngon


Các bạn có thể bảo quản chả trong tủ lạnh được khoảng 5 -7 ngày. Hoặc bảo quản trong tủ đá được khoảng 2 tháng.


Chúc mọi người thành công và có những cây chả ngon, chất lượng và hợp khẩu vị gia đình nhé!




No comments:

Cảm Ơn Bạn Đã Ghé Thăm Căn Bếp Nhỏ!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...